9. Lyra - Thất Huyền Cầm



Chòm sao Thất Huyền Cầm nằm ở vị trí thứ chín trong hệ thống những chòm sao, và nó thuộc về những Nàng Thơ. Thất Huyền Cầm được tạo ra bởi thần Hermes, tại núi Cyllene vùng Arcadia, bằng một cái mai rùa. Đàn có bảy sợi dây, bằng đúng số con gái của Atlas, vì mẹ của người - Maia, là một trong những nàng con gái của Atlas. Apollo sau đó nhận được cây đàn từ Hermes, sau khi nghiên cứu và tự sáng chế ra Thất Huyền Cầm của riêng mình, và sáng tác một bài hát cùng nó, Apollo truyền cây đàn lại cho Orpheus, nhạc sĩ tài giỏi nhất của loài người, con trai của Calliope, một trong Chín Nàng Thơ, người cũng làm thêm hai sợi dây đàn để phù hợp với Chín Nàng Thơ. Orpheus chơi đàn ngày càng hay, và chàng nổi tiếng đến mức người ta nói rằng chàng có thể quyến rũ cả những tảng đá và thú dữ chỉ bằng giọng hát của mình. Sau khi vợ chàng, nàng Eurydice qua đời, Orpheus quá đau khổ, đã tìm đường đi xuống Cõi Âm (Underword), ở đây chàng hát những bài hát ca ngợi tất cả những vị thần, nhưng chàng đã quên mất tên vị thần Dionysos. Orpheus một lòng tôn kính Helios, người chàng gọi bằng cái tên Apollo, như vị thần vĩ đại nhất. Chàng thường thức dậy trong đêm, khi bình minh gần đến, chàng leo lên một ngọn núi tên là Pangaion (hoặc trong một số thần thoại đề cập là núi Olympus) để đón lấy tia nắng đầu tiên từ thần Helios. Dionysos trong cơn giận dữ đã phái những nữ chiến binh cuả mình đến giết chàng, tình tiết này được nhà thơ Aeschylus kể lại. Họ xé nát thân thể chàng và ném tứ chi về nhiều hướng khác nhau. Những Nàng Thơ đã tìm lại được những phần thân thể của chàng và chôn chàng ở một nơi gọi là Leibethroe. Không còn ai để truyền lại Thất Huyền Cầm, họ đã cầu xin thần Zeus đưa nó lên bầu trời để tưởng nhớ cho Orpheus cùng họ, và Zeus đã chấp thuận.

Một phiên bản thần thoại kể rằng khi Aphrodite và Persephone đến gặp Zeus để nhờ vị thần tối cao này phân định xem ai mới là người xứng đáng hơn với chàng Adonis, Zeus đã giao nhiệm vụ này cho Nàng thơ Calliope, mẹ của Orpheus; và kết quả là mỗi người được quyền ở cạnh Adonis sáu tháng mỗi năm. Nhưng Aphrodite không phục, nàng giận dữ vì không được độc chiếm Adonis cho riêng mình, nên nàng đã làm cho tất cả phụ nữ ở vùng Thrace cùng đem lòng yêu Orpheus sau đắm, và mỗi người đều muốn chiếm Orpheus cho riêng mình, đó là lí do tất cả bọn họ lao đến xé chàng thành từng mảnh. Còn đầu của chàng, thì rơi xuống biển, bị sóng đánh dạt vào bờ biển trên đảo Lesbos, những người dân trên đảo đã đã thu nhặt và chôn cất những phần còn lại của chàng. Nhờ lòng tốt của mình, những người dân trên đảo này được ban tặng cho khả năng ca hát tuyệt vời. Một phiên bản còn kể lại rằng Orpheus là người đàn ông đầu tiên tìm kiếm tình yêu ở nam giới, chàng có những hành động xúc phạm phụ nữ, vì đó nên chàng bị giết.

Có rất nhiều phiên bản thần thoại kể về lí do dẫn đến cái chết của Orpheus, nhưng phiên bản trong vở kịch của Aeschylus, về những nữ chiến binh, đã được sử dụng rộng rãi nhất.

Mặc dù không có một thần thoại nào liên quan trực tiếp đến Thất Huyền Cầm, nhưng đôi khi chòm sao này được dùng để thể hiện thêm tình tiết trong các câu chuyện của những chòm sao gần đó. Nếu chòm sao Người Khụy Gối trong phiên bản thần thoại được gọi bằng tên Theseus, thì đây có thể được xem là cây thất huyền cầm của ông.

Chòm sao Thất Huyền Cầm nằm ở phần bầu trời đối diện với đầu gối và cánh tay trái của chòm sao Người Khụy Gối.

Chòm sao này có hai ngôi sao ở hai bên của chiếc mai rùa, hai ngôi sao ở hai điểm nối phần đỉnh của hai cánh tay đàn, một ngôi sao ở phần giữa của hai bên, vị trí mà Eratosthenes hình dung là hai bên vai của cây đàn, một ngôi sao ở phần lưng của cái mai, và một ngôi sao ở phần đáy của cây đàn, như phần đế nâng đỡ toàn bộ cấu trúc của đàn.

Chòm sao Thất Huyền Cầm mọc lên cùng với chòm sao Cung Thủ, và lặn xuống khi chòm sao Xử Nữ mọc.